10 March 2025
Làm gì khi người thân có nguy cơ tự sát (phần 2)
TÌM HIỂU VỀ THAM VẤN TÂM LÝ
TRẦM CẢM

Nếu nhận thấy người thân có các dấu hiệu cảnh báo nguy cơ tự sát, bạn cần trò chuyện một cách chân thành và thẳng thắn về vấn đề này.

Bước 1. Lắng nghe và thấu hiểu

Sử dụng cách tiếp cận thẳng thắn

Cho họ biết bạn lo lắng cho sự an toàn của họ. “Dạo gần đây anh thấy em hay bồn chồn. Hôm trước em có nói với anh em thấy cuộc sống này vô nghĩa nữa. Những điều này khiến anh lo lắng. Có phải em đang nghĩ đến việc chấm dứt cuộc sống?”

Giữ thái độ cởi mở, không phán xét

Tuyệt đối không nói những câu hàm ý xem nhẹ trải nghiệm của họ, chẳng hạn “có vậy thôi mà cũng”, hoặc “làm gì mà nghiêm trọng thế”.

Không lập tức đồng ý giữ bí mật

Không lập tức đồng ý giữ bí mật hoặc đồng ý không cho ai khác biết về ý định tự sát của họ. Thay vào đó, nói rằng bạn tôn trọng sự riêng tư của họ và sẽ không chia sẻ bất kì thông tin nào nếu không cần thiết. Tuy nhiên, nếu họ có nguy cơ cao và không dám chắc có thể tự đảm bảo an toàn cho bản thân, bạn sẽ cùng họ thảo luận xem cần thêm ai hỗ trợ.

Thể hiện sự sẵn sàng lắng nghe và tìm hiểu câu chuyện của họ

Bạn có thể nói “tao không chắc tao biết chính xác điều này khó khăn với mày như thế nào. Nhưng tao sẵn sàng lắng nghe để hiểu hơn”.

Không đồng thời làm việc khác. Dành cho họ toàn bộ sự chú tâm của bạn.

Bước 2. Đánh giá nguy cơ tự sát

Tiếp tục sử dụng cách tiếp cận thẳng thắn. Đặt các câu hỏi dưới đây để đánh giá mức độ nguy cơ. Càng nhiều câu trả lời có, mức nguy cơ càng cao.

  • Họ có suy tính đến một phương pháp cụ thể để tự sát không? Nếu có, đó là bằng cách nào?
  • Họ có khả năng tiếp cận phương tiện để thực hiện hành vi này không? (vd. nếu họ muốn tự sát bằng thuốc, họ có đang tích trữ sẵn thuốc trong phòng không? Nếu họ nghĩ đến việc nhảy lầu, họ có đang sống ở nhà cao tầng không?)
  • Họ có tính đến việc sẽ thực hiện hành vi đó vào lúc nào không? Hoặc khi nào thì hành vi đó có nguy cơ xảy ra cao nhất? (vd. đêm muộn)
  • Họ có hình dung hành vi đó sẽ xảy ra ở đâu không? (vd. trong phòng riêng, nhà tắm,…)
  • Họ có đang ở trong tâm trạng khủng hoảng, quá tải hoặc không dám chắc có thể kiểm soát hành vi không?

Nếu trả lời “có” cho tất cả các câu trên, đây là tính huống khẩn cấp. Carota khuyên bạn:

  • Chia sẻ với họ bạn thấy đây là tình huống có nguy cơ rất cao đe dọa tính mạng hoặc sự an toàn của họ;
  • Trao đổi với họ về việc liên hệ hỗ trợ khẩn cấp (tham khảo phần 3);
  • Nếu không phải một dịch vụ chuyên nghiệp, ai có thể tham gia vào đây cùng để hỗ trợ họ, ngoài bạn ra? (vd. nếu bạn đang không ở đó cạnh họ, liệu ai có thể qua ở cùng với họ qua đêm?)
  • Nếu họ ở trạng thái khủng hoảng và không chắc chắn họ có thể kiểm soát hành vi, chuyển qua hướng dẫn ở phần 3.

Nếu trả lời “có” cho một số câu trên và họ ở trạng thái bình tĩnh và làm chủ được hành vi, chuyển qua bước tiếp theo.

Bước 3. Cùng họ lên kế hoạch an toàn

Tham khảo: Mẫu Kế hoạch an toàn.

Kế hoạch an toàn (safety plan) thường bao gồm các thông tin:

  • Các dấu hiệu cảnh báo sớm nguy cơ tự sát
  • Những lý do để tiếp tục sống
  • Tạo không gian an toàn (loại bỏ các phương tiện giúp thực hiện hành vi tự sát)
  • Những hoạt động có thể tự làm một mình để giữ an toàn
  • Những hoạt động có thể làm cùng người khác để giữ an toàn
  • Những người có thể liên hệ
  • Những dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp chuyên nghiệp

Kế hoạch này không nên chỉ được nói bằng lời. Bạn cần đảm bảo những trao đổi được ghi lại và gửi cho người có nguy cơ tự sát để họ có thể đọc lại sau đó khi cần thiết. Bạn có thể tải mẫu Kế hoạch an toàn do Carota đã biên soạn để sử dụng.

Đọc tiếp: Làm gì khi người thân có nguy cơ tự sát (phần 3)

Tham khảo thêm:

Làm gì khi người thân có nguy cơ tự sát (phần 1)

Giúp đỡ người thân có khó khăn tâm lý

loading