10 March 2025
Giúp đỡ người thân có khó khăn tâm lý (phần 1)
TÌM HIỂU VỀ THAM VẤN TÂM LÝ

Cần làm gì nếu người thân của tôi có khó khăn tâm lý? Bài viết dưới đây của Carota sẽ cho bạn những gợi ý hữu ích để hỗ trợ người bạn yêu thương khi họ gặp các vấn đề tâm lý. 

Dấu hiệu nhận biết một người có khó khăn tâm lý

Khó khăn tâm lý biểu hiện khác nhau ở mỗi người. Đôi khi việc nhận biết một người có khó khăn tâm lý không đơn giản. Chỉ báo rõ ràng nhất thường là những thay đổi trong sinh hoạt hay cách tương tác với người khác. Một số dấu hiệu phổ biến có thể kể đến như:

  • Thu mình, né tránh tương tác hoặc né tránh các sự kiện xã hội 
  • Xao nhãng trách nhiệm (dù là trong học tập, công việc, hay việc nhà) 
  • Mắc phải các lỗi sai mà trước đây không thường mắc phải
  • Chất lượng công việc hay thành tích học tập giảm sút 

Bên cạnh đó, có thể đi kèm những thay đổi trong cảm xúc, hay tâm trạng quan sát được:

  • Tâm trạng trầm buồn kéo dài, dễ khóc 
  • Bồn chồn, âu lo, dễ kích động 
  • Mệt mỏi, ít năng lượng 
  • Chán nản, mất hứng thú và động lực 

Đôi khi, những vấn đề tâm lý có thể biểu hiện cả về mặt thể chất: 

  • Rối loạn giấc ngủ (vd. khó ngủ, ngủ không sâu giấc, ngủ quá nhiều)
  • Chán ăn, bỏ bữa hoặc ăn quá nhiều
  • Đau đầu hoặc đau mỏi một phần cơ thể nào đó mà không rõ nguyên nhân 

Mặc dù đây là những dấu hiệu thường gặp, một số người có thể không biểu hiện những dấu hiệu này bởi họ kiểm soát tốt cách thể hiện trước mặt người khác. Vậy nên, lời khuyên của Carota ở đây là tin vào trực giác của bạn! Một người có thể không có các biểu hiện trên đây, nhưng nếu bạn thấy họ hành xử khác với con người thường ngày của họ, có thể họ đang có khó khăn tâm lý.

Lúc này, một trong những điều tốt nhất bạn có thể làm là bắt đầu một cuộc trò chuyện chân tình nhưng thẳng thắn để hiểu thêm về vấn đề của họ và cùng họ tìm cách cải thiện vấn đề.

Tôi có sẵn sàng cho cuộc trò chuyện này? 

Cần nhớ rằng cuộc trò chuyện về khó khăn tâm lý đòi hỏi sự kiên nhẫn và lắng nghe. Vì vậy, bạn cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng trước khi bắt đầu cuộc trò chuyện này. Dưới đây là một vài câu hỏi gợi ý giúp bạn chuẩn bị tâm thế trước khi thực hiện cuộc trò chuyện:

  • Bản thân bạn có đang trong trạng thái tâm lý ổn định và sẵn sàng để lắng nghe họ?
  • Bản thân bạn đã được chuẩn bị sẵn sàng để chấp nhận nếu họ không muốn trò chuyện?
  • Bản thân bạn đã được chuẩn bị sẵn sàng nếu cuộc trò chuyện kéo dài hơn bạn nghĩ?
  • Bản thân bạn có sẵn sàng chấp nhận nếu họ từ chối các gợi ý bạn đưa ra? Bạn có thể chấp nhận rằng bạn không thể ép buộc họ hành động như bạn muốn? Bạn có sẵn sàng cởi mở để lắng nghe lựa chọn của họ? và vì sao họ chọn như vậy?

Nếu bạn đã sẵn sàng cho các tình huống kể trên, bước tiếp theo là lựa chọn thời gian và không gian phù hợp để thực hiện cuộc trò chuyện:

  • Đâu là không gian đủ riêng tư và thoải mái cho cuộc trò chuyện này?
  • Liệu bạn có đủ thời gian để thực hiện cuộc trò chuyện này mà không bị vội vã? 
  • Đâu sẽ là khoảng thời gian phù hợp để thực hiện cuộc trò chuyện? Tính đến việc cuộc trò chuyện có thể kéo dài.

Sau khi đã xác định trước được một không gian và thời gian phù hợp, bạn có thể gợi ý người thân hay bạn bè của mình gặp mặt cho cuộc trò chuyện. 

Mời bạn đọc tiếp các gợi ý để thực hiện cuộc trò chuyện ở phần 2.

Đọc thêm:

Làm gì khi người thân có nguy cơ tự sát (phần 1)

loading