10 March 2025
Giúp đỡ người thân có khó khăn tâm lý (phần 2)
TÌM HIỂU VỀ THAM VẤN TÂM LÝ

Bạn đã sẵn sàng để trò chuyện cùng người thân của mình? Dưới đây là bốn gợi ý hữu ích cho cuộc trò chuyện.

1. Bắt đầu bằng câu hỏi mở 

“Dạo này mày thế nào?” không phải một câu hỏi tệ để bắt đầu cuộc trò chuyện. Thế nhưng, nếu người thân hay bạn bè của bạn chưa sẵn sàng để trả lời câu hỏi này, hoặc họ né tránh bằng cách đáp lại “vẫn bình thường”, bạn có thể thử khuyến khích họ chia sẻ bằng cách kể ra những điều không ổn bạn quan sát được ở họ. Ví dụ: “dạo này tao thấy mày có vẻ mệt mỏi với uể oải lắm. Có chuyện gì đang xảy ra vậy?” 

Bạn cũng có thể nói lên lo lắng của mình với họ. Chẳng hạn “từ khi bắt đầu học kì mới đến giờ, mẹ thấy con ngủ muộn, xong ăn ít đi. Mẹ thấy lo lắng cho sức khỏe của con. Có chuyện gì đang không ổn xảy ra vậy?” 

Đôi khi, vì đã từng có trải nghiệm bị chỉ trích hay phán xét trước đây, họ có thể dè dặt không muốn chia sẻ. Để giúp hạn chế sự phòng vệ của họ, bạn có thể nói rõ mục đích của cuộc trò chuyện là để giúp họ. “Bố biết là đôi khi nói về những việc này khá khó khăn. Nhưng bố ở đây để giúp con. Nên nếu có bất kì điều gì không ổn đang xảy ra, hãy thử nói cho bố biết.”

2. Lắng nghe không phán xét

Đừng vội vã đưa ra lời khuyên hay nói rằng họ đã làm sai ở đâu.

Điều một người gặp khó khăn tâm lý cần nhất trước hết là sự lắng nghe và thấu hiểu. Có thể theo quan điểm của bạn, họ đáng lẽ phải hành động khác đi. Thế nhưng, luôn nhớ rằng bạn không ở trong hoàn cảnh của họ. Có những trải nghiệm bạn sẽ không hoàn toàn hiểu được nếu chỉ nghe kể về nó. 

Điều này không có nghĩa bạn lắng nghe một cách thụ động.

Giữ tâm thế tò mò và muốn tìm hiểu thêm về câu chuyện của họ. Đặt các câu hỏi để có hình dung tốt hơn về những gì đang diễn ra. Khó khăn họ đang gặp phải là gì? Những khó khăn này mới xuất hiện hay đã ở đó từ lâu? Họ đã làm gì để đối diện với chúng? Những việc họ làm có hiệu quả không? Họ cần thêm điều gì để cảm thấy tốt hơn? Nếu bạn muốn giúp họ giải quyết vấn đề, bạn cần phải hỏi để xác định vấn đề nằm ở đâu và giúp họ như thế nào. 

Không nên hối thúc hay đặt câu hỏi dồn dập.

Cho phép họ dẫn dắt cuộc trò chuyện ở tốc độ mà họ cảm thấy thoải mái. Đôi khi, bạn không cần phải biết mọi thứ. Những câu hỏi gợi ý trên đây nhằm giúp bạn định hình cuộc trò chuyện. Bạn không nhất thiết phải hỏi toàn bộ những câu hỏi này. 

Đừng biến cuộc trò chuyện của họ thành cuộc trò chuyện về bạn.

Chúng ta thường có thói quen chia sẻ lại những trải nghiệm tương đồng của bản thân nhằm giúp họ cảm thấy được đồng cảm. Thế nhưng, cần chú ý đến mức độ chia sẻ. Không nên chia sẻ quá dài khiến cuộc trò chuyện trông như màn “độc thoại” về bạn. Cũng hết sức thận trọng về mục đích chia sẻ. Bạn chia sẻ câu chuyện của mình nhằm đạt được điều gì? Để họ không cảm thấy đơn độc? Để họ thấy được cảm thông? Đây là những mục đích tốt và được chấp nhận. Thế nhưng, nếu đó là để họ “thấy mà cố gắng” thì bạn nên cân nhắc lại. Các phụ huynh đặc biệt lưu ý lời khuyên này khi trò chuyện với con cái.  

3. Cùng tìm giải pháp

Đôi khi, những khó khăn đối phương gặp phải không lớn và một cuộc trò chuyện chân thành là tất cả những gì họ cần. Trong nhiều tình huống khác, họ có thể cần thêm nhiều trợ giúp khác để có thể thực sự giải quyết vấn đề và cảm thấy tốt hơn.

Nếu bạn nhận thấy các dấu hiệu của họ tương đối nghiêm trọng và có thể cần gặp tham vấn viên tâm lý, hãy thử gợi ý họ. “Này, em nghĩ sao về việc đi tham vấn tâm lý?” hoặc “em đã nghĩ đến việc đi gặp tham vấn viên tâm lý hay bác sĩ chưa?”

Khi đưa ra gợi ý, bạn cũng cần chấp nhận khả năng họ có thể sẽ ngần ngại hay từ chối đi gặp. Nhưng bạn luôn có thể hỏi thêm để hiểu lý do họ chưa muốn đi tham vấn. Từ đó, bạn có thể đề xuất giúp họ “gỡ rối”. Chẳng hạn, nếu họ chia sẻ chưa muốn đi vì không tìm được dịch vụ uy tín, bạn có thể đề nghị cùng họ tìm kiếm. Hoặc nếu họ lo lắng khi phải đi một mình, bạn có thể gợi ý đi cùng họ. 

Trong một vài trường hợp, bạn không thực sự chắc chắn bạn có thể giúp họ như thế nào, hãy thẳng thắn hỏi họ. “Mày nghĩ tao có thể giúp mày như thế nào?” Hoặc khuyến khích họ suy nghĩ về những nguồn trợ giúp khác mà họ có thể có. “Tao không chắc lắm là tao có kinh nghiệm để giúp mày trong chuyện này. Có ai khác có thể giúp mày không?” 

Tham khảo: Một số đầu số hỗ trợ tâm lý miễn phí

  • Hotline của Hội Tâm lý trị liệu Việt Nam: 1900 63 6446 (8h – 23h hàng ngày)
  • Đường dây nóng Ngày Mai: 096 306 1414 (thứ 4 – chủ nhật hàng tuần, 13h – 20h30) 
  • Hotline Blue Blue: 1900 9204 (phím 3) 

4. Sắp xếp thời gian cho cuộc trò chuyện tiếp theo

Nếu vấn đề của họ chưa thể được cải thiện ngay, bạn sẽ muốn tiếp tục duy trì các cuộc trò chuyện với họ và theo dõi tình hình. Các cuộc trò chuyện tiếp theo không nhất thiết phải kéo dài như cuộc trò chuyện đầu tiên. Cũng căn cứ vào quỹ thời gian bạn có để sắp xếp cho phù hợp. 

Nếu trong thời gian tới bạn khá bận, đừng ngại nói với họ điều đó. Chuẩn bị trước cho họ sẽ tốt hơn là để họ tìm đến bạn nhưng bạn lại không thể dành thời gian cho họ.

Bạn có thể nói “chị biết là em vẫn đang buồn lắm. Cơ mà từ mai cho đến tận hết thứ 6 chị khá là bận vì phải chạy deadline. Nên là khả năng cao chị không gọi cho em được. Nhưng nếu em nhắn tin, chị sẽ trả lời, dù có thể không ngay lập tức được.”

Bạn cũng có thể khuyến khích họ nghĩ về những hoạt động khác để giúp họ giảm căng thẳng. Chẳng hạn đi ra ngoài, xem phim, đặt một đồ ăn yêu thích, hoặc gọi cho ai đó khác ngoài bạn. Cùng tìm kiếm các ý tưởng có thể giúp họ cải thiện tâm trạng lúc họ không có ai bên cạnh.

Làm gì nếu người thân có nguy cơ tự sát?

Nếu bạn nghi ngờ người thân hay bạn bè của mình có thể có nguy cơ tự sát, bạn cần hành động nhanh chóng để đảm bảo họ được an toàn. Carota có một bài viết riêng với hướng dẫn chi tiết các bước can thiệp khi một người có nguy cơ tự sát. Mời bạn đọc theo link dưới đây: 

Làm gì khi người thân có nguy cơ tự sát 

Làm gì nếu bản thân tôi cảm thấy hoang mang?

Việc trợ giúp người thân có khó khăn tâm lý nhiều khi là một thử thách không nhỏ. Nhất là khi đó là những vấn đề nghiêm trọng hay kéo dài. Bạn có thể cảm thấy quá tải, bị kiệt sức, hoặc hoang mang trong lúc cố gắng giúp họ. Nếu bạn nhận thấy các vấn đề tâm lý của người thân hay bạn bè đang ảnh hưởng lớn lên mình, hãy cân nhắc đi tham vấn cho bản thân bạn. Bạn cần ở trong trạng thái ổn định và vững vàng nhất để có thể hỗ trợ người khác. Trong nhiều tình huống phức tạp, bạn cũng cần ý kiến từ chuyên gia để có thể giúp người thân giải quyết vấn đề. 

Đọc thêm: Giúp đỡ người thân có khó khăn tâm lý (phần 1)

Tham khảo: 

https://www.ruok.org.au/how-to-askhttps://www.mentalhealth.org.uk/explore-mental-health/articles/how-support-someone-mental-health-problem

loading