19 May 2025
Tổng quan về rối loạn nhân cách
Rối loạn nhân cách

Mạng nói người này có nhân cách ái kỉ, người kia là kẻ có nhân cách chống đối xã hội. Vậy bạn đã hiểu thế nào là rối loạn nhân cách?

Nhân cách (personality) là gì?

Nhân cách (personality) là tập hợp những đặc trưng trong hành vi, suy nghĩ, và cảm xúc của mỗi cá nhân, tạo nên sự khác biệt giữa họ và người khác.

Các nghiên cứu trong khoa học tâm lý cho thấy nhân cách chịu tác động của các yếu tố như trải nghiệm sống, môi trường sống, và cả các yếu tố di truyền.

Nhân cách của mỗi người được xem là tương đối ổn định theo thời gian. 

Định nghĩa về rối loạn nhân cách (personality disorders)

Để coi là có rối loạn nhân cách, cá nhân đó phải thể hiện những lối tư duy, hành xử, và cảm xúc đặc biệt thiên lệch khỏi chuẩn mực của cộng đồng mà cá nhân đó thuộc về. Sự “lệch chuẩn” này làm suy giảm khả năng thích nghi của họ với đời sống hay gây ra đau khổ tâm lý. Những đặc trưng này cũng phải bền vững theo thời gian. Điều này có nghĩa, các biểu hiện phải thể hiện sự nhất quán, ổn định trong quá trình sống. 

Lấy ví dụ một người khoe khoang và tự mãn với bản thân khi “chè chén” với bạn bè. Chỉ riêng hành vi này không có nghĩa họ có rối loạn nhân cách ái kỉ. Mặc dù một trong những đặc trưng của rối loạn nhân cách ái kỉ là sự tự mãn. Nhưng đặc trưng này phải quan sát được thấy trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, trải dài trong quá trình sống. Việc khoe khoang trong lúc uống say không đủ để đưa ra kết luận về nhân cách người đó.

Theo Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn tâm thần của Hội Tâm thần học Hoa Kì (DSM-V), các tiêu chí để chẩn đoán rối loạn nhân cách bao gồm:

  1. Những trải nghiệm bên trong và những hành vi bên ngoài của cá nhân “lệch” một cách đáng kể khỏi chuẩn mực của cộng đồng mà cá nhân đó thuộc về. Những đặc trưng này phải được thể hiện ít nhất trên hai phương diện dưới đây:
  • Nhận thức (vd. cách thức nhìn nhận bản thân, người khác hay các sự kiện xảy ra)
  • Cảm xúc (vd. phạm vi, cường độ, mức độ biến thiên, và tính phù hợp của các phản ứng cảm xúc) 
  • Quan hệ xã hội
  • Khả năng kiểm soát các thôi thúc và hành vi  
  1. Những đặc trưng này mang tính cứng nhắc và ảnh hưởng sâu rộng trong nhiều tình huống cá nhân và xã hội 
  2. Những đặc trưng này gây ra những đau khổ tâm lý đáng kể hoặc những suy giảm trong khả năng thích nghi xã hội, công việc hay những mặt quan trọng khác của cuộc sống 
  3. Những đặc trưng này có tính ổn định và kéo dài trong quá trình sống, thời điểm khởi phát có thể được truy lại sớm nhất từ những năm vị thành niên hoặc đầu tuổi trưởng thành 
  4. Những đặc trưng này không thể được giải thích như là biểu hiện hoặc kết quả của một dạng rối loạn tâm thần nào khác 
  5. Những đặc trưng này không thể được cho là kết quả của những ảnh hưởng sinh lý từ việc sử dụng thuốc hay chất kích thích, hoặc từ một bệnh lý khác (vd. chấn thương đầu) 

Phân loại rối loạn nhân cách

DSM-V cũng phân chia các rối loạn nhân cách thành 10 dạng, thuộc vào 3 nhóm:

  • Nhóm A (lập dị, kỳ quặc): gồm rối loạn nhân cách hoang tưởng, phân liệt và dạng phân liệt.
  • Nhóm B (cảm xúc, kịch tính): gồm rối loạn nhân cách chống đối xã hội, ranh giới, kịch tính và ái kỷ.
  • Nhóm C (lo âu, sợ hãi): gồm rối loạn nhân cách tránh né, phụ thuộc và ám ảnh cưỡng chế.

Bạn có thể đọc mô tả chi tiết hơn về từng dạng rối loạn nhân cách của mỗi nhóm tại đây.

Tham khảo: 

Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders, Fifth Edition (DSM-5-TR). American Psychiatric Association. (2022)

Psychology Today, Personality disorders, https://www.psychologytoday.com/us/basics/personality-disorders

American Psychiatric Association, What are personality disorders?, https://www.psychiatry.org/patients-families/personality-disorders/what-are-personality-disorders

Cleveland Clinic, Personality disorders, https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/9636-personality-disorders-overview

loading